Bệnh giả sương mai trên họ bầu bí

0

Bệnh giả sương mai do Pseudoperonospora cubensis gây ra. Bệnh phát sinh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, nhưng phổ biến nhất là trên lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá thường có góc cạnh và bị giới hạn bởi các gân lá. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa phùn, nhiệt độ tương đối thấp), quan sát mặt dưới lá, chỗ vết bệnh thường thấy một lớp nấm mọc thưa, màu trắng xám (nên dễ nhầm lẫn với bệnh phấn trắng), bệnh nặng gây rách các mô tế bào, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu, toàn lá héo khô và chết. Khác với bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai thường phát triển và gây hại mạnh ở mặt dưới của lá. Khi nhìn phía trên xuống chỉ thấy những đốm vàng loang lổ.

Pseudoperonosporacubensis1_zps00be9471

Bệnh giả sương mai trên dưa chuột

Bệnh giả sương mai trên dưa chuột

Nấm Pseudoperonospora cubensis  có sợi nấm hình ống, đơn bào, phân nhánh nằm len lỏi giữa các tế bào hình thành vòi hút để lấy chất dinh dưỡng và tạo thành các bào tử phân sinh chui và lỗ khí ra ngoài. Bào tử phân sinh hình bầu dục hoặc hình trứng, đơn bào không màu. (nên khi mới nhiễm ta chỉ nhìn thấy những chấm nhỏ không màu sau đó phát triển dần) Khi rơi vào giọt nước bào tử phân sinh nảy mầm và xâm nhập vào ký chủ qua lỗ khí trong gian bào. Giai đoạn hữu tính nấm hình thành bảo tử trứng hình cầu màu vàng (đây là lý do ta thấy những đốm màu vàng trên lá) có màn dày dự trữ nhiều chất dinh dưỡng.

Nấm bệnh tồn tại trong các tàn dư thực vật trên đồng ruộng và phát sinh mạnh trong điều kiện nóng ẩm. Lâu lan mạnh khi có mưa giông. Đối tượng gây bệnh chủ yếu là cây họ bầu bí (bầu, bí, dưa leo, …)

Biện pháp phòng trị: 

Vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng, trồng ở mật độ vừa phải, bón phân cân đối tỉ lệ NPK đồng thời cung cấp thêm Canxi để tăng sức đề kháng cũng như nâng cao năng suất. Sử dụng màn phủ nông nghiệp để hạn chế việc lây bệnh trên đồng.

Có thể dùng một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh:   Ridomil Gold, Vicarben 50 HP, Vialphos 80 BHN để phun trừ bệnh giả sương mai.

Ở những vùng đang có bệnh, phun phòng khi dưa có từ 3 – 4 lá thật hoặc khi khổ qua có từ 5-6 lá thật bằng các thuốc gốc đồng,  Ridomil Gold, Topsin–M

Khi bệnh chớm phát dùng các thuốc gốc đồng, Alliete, Antracol, Topsin-M, Ridomil Gold phun trải đều trên lá, nếu bệnh nặng có có thể phun liên tiếp 2 lần, lần thứ hai, cách lần thứ nhất 3 – 5 ngày tuỳ loại thuốc.

Trong sử dụng thuốc trừ bệnh nên sử dụng luân phiên thuốc, đọc kỹ và thực hiện theo những khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc để an toàn cho người, cây trồng.

Ngoài ra, trong điều kiện trời mát, it nắng, ẩm độ cao và cây dưa leo đã sinh trưởng được ½ thời gian nếu chúng ta kìm chế được bệnh phấn vàng lây lan thì bệnh phấn trắng sẽ phát sinh gây hại do đó ở lần phun thuốc cuối cùng nên thay các loại trên bằng thuốc trừ bệnh Anvil hoặc Score.

Kính chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

 

Chia sẻ