Bệnh đạo ôn là một loại bệnh phân bố rộng, đã xuất hiện ở trên 80 quốc gia có trồng lúa trên thế giới. Bệnh phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt.
Đối với bệnh đạo ôn thối cổ gié, ước tính cứ 10% gié bị nhiễm bệnh thì năng suất thất thu 6% và tỷ lệ hạt kém phẩm chất gia tăng 5%. Bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông thường phát sinh phát triển mạnh trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, gieo trồng giống nhiễm.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh đạo ôn thường phát sinh mạnh khi trời nhiều mây (nắng dưới 2 giờ/ngày), mưa phùn, sương đêm, độ ẩm không khí trên 90%, nhiệt độ từ 18 – 20 độ C. Bệnh cũng thường xảy ra trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, nhất là đối với những giống lúa mẫn cảm với bệnh. Ngoài ra một số biện pháp canh tác không phù hợp cũng góp phần làm bệnh phát triển như gieo sạ quá dày hoặc bón thừa đạm dẫn tới thừa acid amin tự do làm giảm tính chống chịu, cây lúa yếu ớt, tạo ra tiểu khí hậu thuận lợi cho bệnh. Ở miền Bắc, trà lúa mùa muộn giai đoạn trổ – chín, hoặc vụ lúa Đông Xuân vào giai đoạn con gái – đứng cái – làm đòng là những cao điểm của bệnh trong năm. Ờ miền Nam, bệnh phát sinh quanh năm nhưng gây hại nặng trong vụ Đông Xuân. Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bào tử này nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ: 24 – 28 độ C và có giọt nước. Nguồn nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu trong rơm, gốc rạ, hạt lúa bị bệnh và cỏ dại trên ruộng như cỏ chỉ, cỏ mần trầu, cỏ cú…
Triệu chứng
Khi lúa bị nhiễm bệnh ở giai đoạn mạ – đẻ nhánh, bệnh hại chủ yếu trên lá (gọi là đạo ôn lá hay cháy lá). Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, mầu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang mầu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây suy giảm năng suất nghiêm trọng. Ngoài ra, nấm bệnh còn tấn công trên cổ bông (gọi là đạo ôn cổ bông hay thối cổ gié) làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn, gây thất thu năng suất rất lớn. Vết bị bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, dễ bị gẫy, làm ruộng lúa trở nên xơ xác.
Biện pháp phòng trừ
Để phòng trừ bệnh đạo ôn, bà con cần áp dụng các biện pháp tổng hợp :
- Bà con nên cày vùi ngay sau khi thu hoạch để phân hủy rơm rạ sớm.
- Chọn giống sạch, kháng bệnh tốt
- Gieo sạ ở mật độ hợp lý. Nên sạ thưa ở vụ đông xuân để tránh điệu kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh và trước sau trổ.Nên bổ sung Canxi trước khi lúa trổ để tăng sức đề kháng cho cây.
- Không phun phân bón KNO3 nuôi hạt khi bệnh đang lây lan. Bà con cần kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện để có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Nếu thấy ruộng bị bệnh, mà thời tiết đang phù hợp cho bệnh (trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, hoặc trời có mưa nhỏ xen kẽ, ban ngày trời âm u, ít nắng…) thì phải ngưng bón đạm, không để ruộng bị khô nước và tiến hành phun thuốc phòng bệnh kịp thời.
- Một số thuốc hóa học có thể phòng và trị bệnh đạo ôn là Tilt super, Taiyou, Ridomil God,… các nhóm thuốc trị nấm bệnh. Chú ý an toàn với người sản xuất và an toàn sản phẩm sau thu hoạch.
Kính chúc bà con có những vụ mùa bội thu!