Bệnh thán thư trên cây ớt

0

    Bước vào thời kỳ nắng nóng bà con trồng ớt nói riêng và bà con sản xuất nông nghiệp nói chung gặp không ít vấn đề về bệnh hại cây trồng. Trong đó điển hình là bệnh thán thư trên trái ớt.

    Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nắng nóng trên các ruộng ớt đang cho thu hoạch. Bệnh do nấm Colletotrichum spp gây ra. Chúng tác động đến lá, nhưng nghiêm trọng nhất là trên cuốn trái và  trái. Chúng làm hư hỏng trái gây thiệt hại nghiêm trọng (có thể thất thu đến 90%).

    Bào tử nấm phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ 28-32 độ C do đó khi bước vào mùa nắng nóng thì bệnh bùng phát rất nhanh. Bào tử bệnh phát tán đi nhờ gió và côn trùng nên việc ngăn chặn bệnh lây lan là điều rất quan trọng nếu không phát  hiện kịp thời.

    Trên lá, vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định, trãi  theo chiều dài của gân lá. Vết bệnh lúc đầu ở mặt dưới lá có màu nâu nhạt, sau đó chuyển dần màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm vào lá. Trên cuống lá và thân cây vết bệnh cũng lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Chính điểm này làm cho hiện tượng rụng trái xanh trên các ruộng ớt bị bệnh khá nhiều. Nhiều bà con chưa xác định được đặc điểm bệnh thán thư trên thân và cuốn trái mà nghĩ cây thiếu dinh dưỡng nên rụng trái. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm. Ngoài ra bệnh còn phát triển trên cả trái non gây thối trái hàng loạt. Vết bệnh xuất hiện đầu tiên là những đóm tròn nhỏ có màu xanh đậm hơi lõm xuống và ướt. Sau đó vết bệnh lớn dần rồi chuyển xsang màu vàng đến xám hoặc đen bên trong vết bệnh có nhiều vòng tròng đồng tâm nhô lên trên đó có những chấm nhỏ li ti.

Biện pháp phòng trừ bệnh.

     Với việc phát tán mầm bệnh nhờ gió và côn trùng nên bệnh thật sự khó trị khi phát hiện trễ. Do đó bà con cần chọn giống tốt, giống đảm bảo hoặc hạn chế tối đa mầm bệnh. Bà con có thể xử lý mầm bệnh bằng cách ngâm hạt giống trong thuốc Benlate C liều 2.5g/l để tiêu diệt mầm bệnh.

      Gieo trồng ở mật độ hợp lý, hạn chế cây khép cành để dễ quản lý bệnh hại.

     Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều đạm vào gia đoạn cây ra hoa.

     Bón định kỳ 2 -3 tuần 1 lần Canxi Nitrate để tăng sức đề kháng cho cây.

     Thường xuyên thăm ruộng để phát hiện bệnh kịp thời. Bà con có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Daconil, Phytocide, Ridomil God để trị bệnh. Chú ý luân phiên các loại thuốc để tránh bị kháng thuốc và sử dụng thuốc an toàn với con người cũng như môi trường.

Kính chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Chia sẻ