Bước vào mùa mật ong, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra là làm sao để phân biệt được đâu là mật ong rừng; đâu là mật ong nuôi. Trong dân gian chúng ta vẫn kể với nhau nghe về một số phương pháp phân biệt như sự kết tinh mật ong khi để lâu hoặc để trong tủ đông; nhúng lá hành tươi; nhỏ giọt mật ong vào cốc nước; nhỏ lên giấy; thử xem kiến có bò lên hay không; mật ong tạo ván hay không;… Thiên Lý farm chưa có điều kiện để thực hiện các đoạn clip để tận mắt so sánh từng phương pháp cho anh chị em rõ, tuy nhiên tình cờ Thiên Lý farm có đọc và xem qua một loạt các phương pháp phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi. Sau đây xin được tổng hợp lại cùng chia sẻ với các bạn quan tâm.
- Đôi điều về mật ong rừng
Mật ong rừng cơ bản là có ba loại ong. Mật ong vàng (ong bộng, ong lỗ) đây là loại làm tổ trong các bộng cây, hóc đá, nơi kín gió, mưa. Loại này cho sản lượng mật tối đa khoảng 2lit/tổ.
Mật ong ruồi (ong treo) chúng làm tổ trên những cành cây nhỏ tầm thấp (dưới 3m) sản lượng mật tối đa 1.5lit/tổ.
Mật ong khoái (ong chiếu, ong thế) chúng làm tổ trên những cành cây cao, vách đá. Kích thước tổ lớn, sản lượng mật nhiều. Có thể đạt trên 10lit/tổ.
Mỗi loại mật ong có một chút khác nhau về màu sắc và hương vị nhưng thật sự rất khó phân biệt đâu là mật ong ruồi, mật ong lỗ hay mật ong khoái (nếu lấy cùng một tuổi mật). Cùng một loại mật nhưng thời điểm lấy mật khác nhau cũng khác nhau do nguồn hoa mà con ong sử dụng để làm mật, phấn hoa và sự phát triển của con non trong tổ (tuổi của tổ ong). Đa phần mật ong đầu mùa (tháng 3-4 âm lịch) và tổ ong non có màu sắc vàng nhạt, bên trong mật có một lượng nước nhất định (17%) và đặt biệt là còn một lượng đường – thức ăn dự trữ cho ong non. Đây chính là yếu tố mà chúng ta không thể phân biệt mật ong rừng hay mật ong nuôi bằng cách kết tinh trong tủ lạnh hay dùng cọng hành. Mật ong càng già (càng về cuối mùa) khi con non trưởng thành lên ăn hết đường và tiêu thụ phần lớn lượng nước trong mật thì mật sẽ chuyển sang màu nâu đen, mật đặc quánh lại. Lúc này mật ong sẽ không bị kết tinh nữa, cho vào nước cũng lâu tan ra, không còn phấn hoa bám trên thành bình và cơ bản cũng không còn ga (con non đã hết – sẽ trình bày sau).
- Các phương pháp dân gian hay dùng
- Cho vào tủ đông hoặc để lâu. Nếu mật ong rừng sẽ không bị đông hoặc kết tinh. Phương pháp này không đúng bởi vì nếu mật ong rừng còn non (mật ong đầu mùa) do bên trong còn lượng nước khoảng 17% và còn có đường đang là nguồn thức ăn dự trữ cho ong non nên khi để vào tủ đông chính nước và đường này sẽ tạo thành kết tinh bên dưới chai, lọ đựng.
- Dùng cọng hành tươi. Nguyên tắc chính của phương pháp này cũng là lợi dụng lượng đường (nếu có) trong mật ong. Mọi người nghĩ rằng nếu mật ong có đường sẽ hình thành áp suất thẩm thấu làm cho nước từ trong tế bào lá hành đi ra làm lá hành héo. Nhưng vì trong mật ong rừng vẫn còn đường nếu tổ ong chưa già. Như vậy phương pháp này cũng không hiệu quả. (Tại sao dùng lá hành mà không dùng lá xoài, lá ổi hay lá cam là vì lớp biểu bì của tế bào lá hành mỏng nên lượng nước trong tế bào lá hành dễ dàng đi ra hay đi vào hơn so với những loại lá khác).
- Nhỏ giọt vào cốc nước. Chúng ta hay nói rằng nếu mật ong rừng khi nhỏ giọt vào cóc nước sẽ không tan liền. Điều này không đúng. Nếu mật ong nuôi đặc thì vẫn không tan. Phương pháp này chỉ phân biệt được mật đặc với mật loãng thôi.
- Nhỏ giọt lên giấy ăn. Phương pháp này cũng tương tự cách nhỏ giọt vào cốc nước. Thực tế nếu mật đặc thì vết loang sẽ chậm và mật loãng thì nhanh hơn.
- Để xem có kiến bò lên không. Chắc chắn là kiến sẽ bò với bất kì loại mật nào. (Trừ khi khu vực đó không có kiến hoặc kiến chưa đánh mùi được).
- Để mật ong lâu sẽ tạo ván. Phương pháp này là để kiểm tra phấn hoa. Tạo ván hay không đều do phấn hoa tạo ra. Nên nhớ rằng bây giờ nuôi ong người ta vẫn cho ăn phấn hoa!!!. Và mật ong rừng vào cuối mùa khi con non ăn hết phấn hoa thì cũng sẽ không còn gì để tạo ván.
- ….
- Và cách chúng tôi chọn đó là hãy cảm nhận bằng khứu và vị giác của các bạn. Mật ong rừng là do ong rừng lấy từ muôn vạn loại hoa do đó sẽ có hương thơm rất riêng và vị ngọt rất đậm đà. Hãy dùng một thìa mật ong cho vào cốc nước ở 70 độ C khi đó hương hoa rừng sẽ cho bạn biết đâu là mật ong rừng và đâu là mật ong nuôi. Mật ong nuôi có thể có nhiều loại hoa nhưng chúng chỉ có thể mang màu sắc và hương của từng loại hoa mà chủ vườn cho ăn như hoa nhãn, hoa café, hoa điều, hoa cúc quỳ,… Ngoài ra, trong quá trình thu mật ong rừng người lấy mật có thể là vô tình hoặc là không thể làm sạch được một lượng ong non gần khu vực chứa mật. Chính lượng ong non này bị vắt ra lẫn trong chai mật làm lên men vi sinh nên mật ong rừng sẽ có một lượng ga nhất định. Cụ thể là khi lắc mạnh chai rồi mở nắp sẽ bị phụt trào ra ngoài. Mật ong già màu nâu sẫm sẽ ít hơn vì lượng ong non lẫn vào ít.
Hy vọng với bài viết này sẽ ít nhiều giúp ích cho bà con trong việc phân biệt đâu là mật ong rừng, đâu là mật ong nuôi.
Kính chúc sức khỏe và thành công!