Nguyên tắc phòng và trị bệnh do nấm gây ra

0

Bệnh hại trên cây trồng nói chung và bệnh do nấm gây ra nói riêng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản suất nông nghiệp. Vì vậy, việc phòng và trị bệnh do nấm gây ra là việc làm không thể thiếu.

Nấm bệnh tồn tại trong đất, trong tàn dư sau thu hoạch, trong nước, và trong cả không khí. Nấm đất gây bệnh có thể tồn tại trong đất trong thời gian rất dài kể cả trong điều kiện không có cây ký chủ. Chúng bảo tồn bằng các sợi nấm, hạch nấm, hậu bào tử, bào tử trứng và những bào tử có vách dày ở trong đất và trên tàn dư cây trồng. Nấm xâm nhập vào cây chủ yếu qua các vết thương hở (như trầy xướt, tổn thương cơ học, do các đối tượng khác gây ra,…). Chúng tấn công vào các tế bào mạch dẫn của cây không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng từ giá thể. Vì vậy mà các triệu chứng của bệnh nấm đất gây ra thường rất giống nhau, đều gây héo vàng, còi cọc và chết cây.  Gần như chúng luôn tồn tại trong cây trồng nhưng chỉ phát bệnh khi hội đủ mật độ. 

Khi bùng phát, chúng sinh sản rất nhanh nên gây thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy trong sản xuất nông nghiệp bà con cần thực hiện những biện pháp sau để phòng và trị bệnh do nấm gây ra:

Vệ sinh đồng ruộng: Sau thu hoạch và trước khi canh tác cần thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật,  làm sạch cỏ dại vì đây là nguồn lưu tồn và lây lan quan trọng nhất. Thu nhổ và tiêu hủy các cây đã biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh.

Làm đất: Đất trồng phải thoát nước tốt, đất tơi và xốp. Cần có thời gian để đất khô hoàn toàn nhằm tiêu diệt bớt phần nào sợi nấm trong đất.  Khi đất quá ẩm hãy đào rãnh để nước thoát xuống mương. Biện pháp này sẽ giúp làm chậm quá trình lây bệnh sang các cây khác trong vườn.

Bổ sung thêm vôi vào đất để tăng pH nhầm làm giảm hoạt động của nấm.

Về phân bón: Xử dụng phân bón cân đối NPK, tránh để thừa N.Tăng cường lượng Canxi trong đất để cây hấp thụ dinh dưỡng tốt góp phần tăng sức đề kháng cho cây trồng. Dùng phân hữu cơ hoai mục, có nhiều vi sinh vật đối kháng làm hạn chế nguồn bệnh. Bổ sung nấm Trichoderma vào đất bằng cách rải trực tiếp khi đất ẩm hoặc ủ chung với phân chuồng để tăng mật độ nấm có ích cho đất.

Về giống : Luân canh cây trồng khác họ. Sử dụng giống kháng. Không dùng hạt giống có mầm bệnh (không lấy giống ở ruộng có cây bị bệnh). Xử lý hạt giống bằng nước nóng 50 độ C trong 25 phút.

Mật độ trồng vừa phải không quá dày để tránh bớt ẩm độ khi lá giao tán.

Biện pháp cơ giới vật lý: Nhổ bỏ cây bị bệnh kịp thời, phải hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng. Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc.

Biện pháp sinh học: Sử dụng các chế phẩm từ nấmTrichodermabón vào đất trước khi trồng.

Biện pháp hóa học: Biện pháp hóa học thường có hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh hại nặng có thể dùng một số loại thuốc phun để tăng cường sức đề kháng cho cây và hạn chế bệnh lây lan như: Rovral, Ridomil Gold, Viroval, Aliette, Carbendazim, Benlat… (dùng đối với bệnh do nấmSclerotium rolfsii); Aliette, Ridomil, Phosacide… (dùng đối với bệnh do nấm Phytophthora capsici).

Kính chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Chia sẻ