Nông dân Việt Nam luôn bị động trông vấn đề tiêu thụ nông sản. Câu nói như thường trực trong các báo cáo nông nghiệp đều là được mùa mất giá. Vậy vấn đề này do đâu mà ra? Làm thế nào để tránh được viễn cảnh này?. Hay là nông dân vẫn cứ tiếp tục sản xuất còn giá nông sản thì hên xui!!!
Một vấn đề tồn tại hàng chục năm nay với ngành nông nghiệp nước ta đó chính là sản xuất manh mún , thiếu tập trung, thiếu liên kết, yếu kỹ thuật. Vấn đề đó làm cho nông sản làm ra không ổn định về số lượng; không đồng đều về chất lượng. Như vậy việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp không ít khó khăn.
Tập quán sản xuất và tính nông dân còn quá cao. Cứ thích gì làm nấy, thích làm lúc nào thì làm mà thiếu đi một tính liên kết. Liên kết trong sản xuất bền vững sẽ hình thành liên kết tiêu thụ ổn định. Tính nông dân chúng ta hay “bắt chướt” (làm theo) những gì mình thấy, mình nghe mà chưa thật sự tìm hiểu sâu hơn về những đối tượng đó tạo thành những phong trào nhà nhà sản xuất loại này, đồng đồng trồng cây loại này dẫn đến cung vượt cầu và cuối cùng là nông dân tự giẫm lên nhau mà chết!
Điển hình cho việc này là phong trào trồng ớt. Trong những năm qua, đôi lúc giá ớt lên cao 20-40000đ/kg nhưng có lúc chỉ có 2000đ/kg và thậm chí là không có người thu mua. Vấn đề này xuất phát từ 2 nguyên nhân; 1 là chúng ta chưa có một kênh xuất khẩu chính thống với sản lượng ổn định mà chỉ xuất khẩu theo kiểu chập, lúc (lúc xuất được, lúc không). Nguyên nhân thứ 2 là tính sản xuất ồ ạt theo phong trào của nông dân. Khi thấy người này trồng ớt được lợi nhuận cao (do giá ớt lúc xuất khẩu được tăng) thì năm sau, vụ sau nông dân ùn ùn trồng ớt. Không chỉ một thôn, một xã, một huyện mà phong trào này có khi còn vượt ranh giới tỉnh. Do đó sản lượng lúc thu hoạch quá nhiều. Nếu có xuất khẩu được thì cũng khó mà tiêu thụ hết nên thương lái bắt đầu chèn ép, mua cái đẹp, cái chất lượng và làm giá thấp. Cuối cùng người bị thiệt vẫn là nông dân nhẹ dạ cả tin và có phần “ngây thơ”!. Không riêng gì cây ớt mà dưa hấu hay những loại nông sản khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Ngành chăn nuôi cũng không ngoại lệ. Tuy không phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu nhưng người chăn nuôi vẫn cứ làm theo phong trào; cùng với việc hàng nhập lậu nên đã không ít người lao đao. Thấy nuôi gà có lợi nhuận cao thì người dân lại đổ xô đi nuôi gà, đến lúc xuất chuồng thì ồ ạc ra thị trường làm cung vượt cầu. Có thể có thêm yếu tố hàng nhập lậu nữa làm cho giá cả rớt thê thảm và dân ta lại ngậm ngùi về tìm nuôi con khác. Cứ như vậy hễ khi gà vị rẻ thì có thể bò hoặc heo giá cao và ngược lại. Người dân chưa chịu sản xuất ổn định nên chuyện lên xuống vẫn còn như con nước!
Trong chuyện này cũng cần phải kể đến sự “nhiệt tình” của công tác khuyến nông và các báo đài. Khi thấy một đối tượng sản xuất nào đó mang lại hiệu quả kinh tế cao thì lập tức khuyến nông, báo đài dưa tin khắp các phương tiện truyền thông. Trước những thông tin có cánh ấy nông dân sao không khỏi “động lòng”. Và chuyện họ làm theo là chuyện một sớm một chiều.
Tư duy sản xuất của nông dân chưa cao, kỹ thuật sản xuất chưa sâu nên không dám mạnh dạn theo đuổi một đối tượng cây trồng vật nuôi để tạo tính ổn định, bền vững. Do vậy cần lắm những thông tin có tính chọn lọc của những người làm công tác thông tin tuyên truyền. Cần lắm những cán bộ có đủ tâm sức để giúp nông dân hình thành những vùng canh tác chuyên canh. Tạo nên những thương hiệu đặt trưng vùng và có chính sách cũng như kế hoạch lâu dài với những vùng sản xuất đó. Có như vậy nông sản Việt Nam mới có thương hiệu tồn tại trên thị trường trong nước và xa hơn là quốc tế. Có như vậy người dân (vừa là người sản xuất cũng là người tiêu dùng) có thêm lòng tin cho nông sản Việt cũng như cho những mặt hàng made in Viet Nam!